
Loại bột để làm bánh xèo là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ cho có màu vàng tươi và một ít hành lá thái mỏng tạo màu xanh non nổi bật trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ.
Khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta mới tiếp tục cho nhân bánh vào. Nhân bánh thông thường gồm có: tôm, thịt, giá sống, củ sắn sống, nhưng cũng có những quán muốn tạo hương vị đặc biệt, lạ miệng lại cho thêm củ hủ dừa và thịt vịt xiêm sắt sợi nhỏ.

Cái hồn để làm nên mùi vị bánh xèo đặc trưng, không lẫn vào đâu được là ở phần nước chấm. Nước chấm phải được pha chế đúng kỹ thuật mới làm tôn hương vị của món ăn nóng sốt này. Chính vì vậy, mỗi người lại có một bí quyết làm nước chấm riêng.
Bánh xèo ăn kèm với nhiều loại rau như: cải xanh, xà lách, cùng các loại rau thơm. Cũng như bánh cống, ăn bánh xèo đúng điệu phải dùng tay chứ không dùng đũa.
Lẩu mắm Dạ Lý
Nhà văn Nam Sơn – người được coi là “ông già Nam Bộ” cho rằng lẩu mắm có gốc từ mắm Châu Đốc, là món ăn của những người dân Việt khai khẩn đất hoang ngày xưa. Mắm kho là một món ăn quen thuộc của các gia đình nông dân vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, để có được một lẩu mắm ngon, vừa lòng thực khách không phải là chuyện dễ, nhưng quán Dạ Lý đã thành công và thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày với đủ thành phần.

Trước đây, mắm của quán được mua từ nhiều nguồn như: Châu Đốc, Cà Mau … nhưng bây giờ để đảm bảo ngon và hợp vệ sinh thì nhà hàng tự làm lấy. Cá sặc – loại cá dùng để làm mắm được chị Liệt đặt mua từ Châu Đốc về, được đánh vảy làm sạch ướp với các loại gia vị như thính, đường thốt nốt… và mắt khóm (dứa), lá khế để mắm vừa thơm ngon, vừa có màu đỏ đẹp đặc trưng của Dạ Lý.Một lẩu mắm ngon, một phần phụ thuộc vào xuất xứ của mắm, cách pha, phần khác là nhờ vào sự đa dạng phong phú của các loại rau. Việc chọn loại mắm có chất lượng như thế nào đó sẽ quyết định chất lượng thành phẩm. Với mắm, không thể nào nói chính xác độ mặn ngọt, ngon dở mà tuỳ vật liệu sẵn có và khẩu vị nêm nếm của người nấu. Rau cũng vậy, hơn 35 loại rau có trong lẩu mắm Dạ Lý như: rau nhút, bông súng, cù nèo, so đũa, lục bình, bông bí, rau đắng, càng cua, ngó sen… đều được chị đặt mua trực tiếp từ những người nông dân để đảm bảo vừa tươi, vừa sạch.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong “nghề”, lẩu mắm Dạ Lý (số 89 đường 3/2 thành phố Cần Thơ) đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của người từ nhiều nơi khi đến Cần Thơ. Nhiều người còn cho rằng: “Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa biết hết Cần Thơ, chưa thưởng thức hết cái hương vị đất miền Tây, cũng như chưa biết hết sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.